Chọn nhân sâm Hàn Quốc như thế nào?
Trước hết, bạn cần tránh nhầm lẫn khi mua nhân sâm. Nhân sâm vốn đa dạng về chủng loại, giá thành lại cao, nên dễ bị pha trộn, giả mạo. Việc phân biệt và lựa chọn sản phẩm Sâm tốt trên thị trường khá phức tạp. Ngoài các biện pháp phân loại dựa vào nghiệp vụ chuyên môn, người tiêu dùng có thể nhận dạng Nhân sâm bằng cảm quan như sau:
Hồng sâm: Là loại sâm đã qua chế biến. Thường chọn loại rễ củ lớn, nặng khoảng 37g, chưng hấp trong 2 tiếng đồng hồ, phơi sấy khô. Sản phẩm sau chế biến có màu hồng, trong suốt, mùi thơm, vị ngọt hơi đắng, thể chất dẻo, chắc. Hồng sâm thường hình thoi hoặc hình trụ, có thể phân nhánh trông như cánh tay, phần dưới có 2 hoặc 3 nhánh trông như chân. Nếu phân loại theo nguồn gốc thì Hồng sâm Triều Tiên có hình trụ (đường kính trên dưới gần bằng nhau), có ít rễ phụ, màu nâu đỏ hơi đục. Hồng sâm Trung Quốc bề mặt trong mờ, màu nâu hồng, có vài đốm màu nâu sẫm đục. Hồng sâm Nhật Bản nhỏ hơn Hồng sâm Triều Tiên một chút, phần trên thường có màu vàng, vỏ rễ nhám hơn, đường kính phần đuôi và phần giữa lớn hơn phần đầu, màu đậm hơn Hồng sâm Triều tiên và nhạt hơn Hồng sâm Trung Quốc.
Bạch sâm: Là loại sâm chế biến bằng cách nhúng những rễ củ Nhân sâm nhỏ hơn (trọng lượng dưới 37g) vào nước sôi vài phút, tẩm đường vài ngày, sau đó phơi sấy khô. Sản phẩm sau chế biến có màu trắng hơi đục, thể chất mềm dẻo, có tinh thể đường bám ngoài mặt, mùi thơm, vị ngọt.
Có nhiều loại Nhân sâm giả, trong đó Sâm đất và Thương lục hay được sử dụng nhất.
Sâm đất có hình chóp, phân nhiều nhánh dài khoảng 15-20 cm. Khi chưa chế biến có màu đen nâu, thô nhám, vỏ rễ có nhiều vân. Sau chế biến, chuyển sang màu vàng nâu, trong mờ, thể chất giòn, dễ bẻ, vị ngọt.
Thương lục có hình trụ dài khoảng 20 cm, màu nâu vàng hoặc sẫm hơn, thể chất dai dẻo, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang không phẳng, mùi tanh, vị đắng và cay chua.
Cách sử dụng nhân sâm Hàn Quôc sao cho đúng?
Khi đã chọn được Nhân sâm tốt, việc sử dụng đúng cách cũng rất quan trọng. Xin giới thiệu ba cách sử dụng đơn giản mà hiệu quả, có thể áp dụng tại gia đình như sau:
1) Nhân sâm thái mỏng, ngậm và nhấm từng ít một, nuốt cả nước lẫn bã. Mỗi ngày dùng khoảng 2 - 6g.
2) Nhân sâm thái phiến mỏng cho vào ấm hay chén sứ, thêm một ít nước, đậy nắp. Đun cách thủy, lấy nước uống. Làm vài lần như vậy, cho đến khi còn lại bã đã nhạt hết mùi vị của Nhân sâm. Mỗi ngày dùng khoảng 2 ?" 6g.
3) Cháo Nhân sâm: Vo sạch 100g gạo tẻ, thêm 3g Nhân sâm (dạng bột hoặc thái lát mỏng), cho vào nồi đất hoặc nồi nhôm (tránh dùng nồi sắt), thêm nước sạch (tốt nhất dùng nước mưa), đậy nắp kín, nấu chín thành cháo. Món này thích hợp với người già yếu, người suy nhược, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, hay quên, hoảng hốt, suy giảm chức năng sinh dục. Mỗi ngày dùng hai lần (sáng, tối) vào lúc bụng đói.