Những năm gần đây, sâm Ngọc Linh trong rừng già cũng cạn kiệt vì sự khai thác của con người. Nhằm giữ nguồn gen quý và phát triển loại cây trồng đặc biệt quý hiếm này, Trung tâm sâm Ngọc Linh lập dự án và đã trồng được hơn 3 ha sâm, trong đó có hơn 1 ha sâm trên 10 năm tuổi, số còn lại từ 2 - 7 năm.
Hiện cây giống sâm Ngọc Linh được nhiều người dân lùng mua với giá 30.000 - 40.000 đồng/cây, nhưng vẫn rất thiếu. Số cây giống này đa phần được người dân khai thác từ rừng già. Trồng được 1 ha sâm, theo tính toán của một số nhà chuyên môn, có thể thu lợi trên 3 tỉ đồng sau 7 năm chăm sóc. Trong nỗ lực xóa nghèo đói ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), chính quyền huyện này đã dành một phần ngân sách khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm hỗ trợ người dân mua giống sâm về trồng. Chương trình thực hiện từ năm 2006 đến nay, và đã có trên 2 ha sâm được trồng với trên 30.000 cây giống. Sâm Ngọc Linh còn được di thực trồng ở các địa phương nằm trong dãy Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 20 ha.
Theo một số nhà khoa học, ngoài vùng núi Ngọc Linh, sâm còn có thể mọc ở vùng núi Ngọc Lum Heo thuộc địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cao nguyên Langbian (Lâm Đồng). Tuy nhiên hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào của các nhà khoa học được công khai về các điều kiện để trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh ở các vùng đất khác. Viện Nghiên cứu nhiệt đới đã thử nghiệm thành công trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô, nhưng khi đem ra trồng lại không phát triển, kể cả việc trồng ở Đà Lạt, nơi có khí hậu khá tốt. Kết quả khả quan nhất là hàng ngàn cây sâm được trồng ở các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Phước Sơn bước đầu cho kết quả tốt.
Như vậy, cây vàng sâm Ngọc Linh hiện nay đang được nhân giống tái tạo phục hồi, vừa mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Kon Tum và Quảng Nam, vừa góp phần chữa bệnh, mang lại sức khỏe tốt cho mỗi dân Việt Nam chúng ta.